Chuyện về phi công cảm tử còn sống sót của Nhật Bản trong Thế chiến II  

Một phi công Nhật Bản thoát chết ngay trước khi thực hiện nhiệm vụ cuối cùng do đất nước đầu hàng, còn một phi công khác sống sót do không thể tìm thấy mục tiêu

-bb-baaad8k3eQ

Ông Hishashi Tezuka giơ tấm ảnh về thời trai trẻ. Trong ảnh, phi công Tekuza đội mũ sắt và quàng khăn lụa trắng để giữ ấm vùng cổ.

Vào ngày 2/9/1945, Hishashi Tezuka – một phi công chiến đấu của Đế quốc Nhật – lên tàu để tới phi trường. Chàng thanh niên biết rằng đây sẽ là ngày cuối cùng trong cuộc đời, bởi anh sẽ không thể trở về sau nhiệm vụ tự sát.

Nhưng trước khi tàu đến sân bay, Nhật hoàng Hirohiti thông báo lệnh đầu hàng qua đài phát thanh. Lúc ấy, một cảm giác khó tả xâm chiếm tâm trí của Tezuka và những phi công khác trên tàu. Nếu đài phát thanh công bố mệnh lệnh của Nhật hoàng chậm một chút, có lẽ họ đã về cõi vĩnh hằng.

Tezuka là một trong những phi công buộc phải gia nhập lực lượng Kamikaze (Thần phong) của Không quân Nhật Bản. Cấp trên bắt ông học cách lao máy bay vào chiến hạm, xe tăng, phi cơ và các mục tiêu khác của đối phương.

Trong những ảnh thời chiến mà Tezuka còn giữ, phóng viên thấy một phi công trẻ, đội mũ sắt và đeo khan lụa trắng ở cổ.

“Mảnh vải lụa này giúp tôi giữ ấm vùng cổ. Nhiệt độ ở trên trời rất thấp”, ông giải thích.

Quân đội Nhật không cho phép những con trai đầu trong gia đình thực hiện nhiệm vụ tự sát để bảo vệ người nối dõi.

Do có vài anh trai, Tezuka phải gia nhập lực lượng Thần phong. Sĩ quan chỉ huy cho phép ông nghỉ 5 ngày để thăm thân quyến. Tất nhiên, ông không nói với họ rằng ông sẽ thực hiện nhiệm vụ tự sát. Khi ấy ông mới 23 tuổi.

“Khi ngồi trên tàu, tôi đã chuẩn bị sẵn sang để chết. Tâm trí tôi hoàn toàn trống rỗng”, ông hồi tưởng.

Sau khi chiến tranh kết thúc, dù rất thích bay, Tezuka không muốn lái phi cơ thương mại và cũng không tiếp tục phục vụ Không quân. Ông giải ngũ và thành lập công ty tư vấn nhập khẩu. Công việc đó khiến cựu binh Nhật Bản thường xuyên tiếp xúc với nông dân tại Mỹ, song doanh nhân già chưa bao giờ nói với họ rằng ông từng là phi công Thần phong.

“Lái máy bay mang lại cảm giác rất tuyệt. Bạn biết cầu vồng sẽ thế nào khi quan sát chúng từ phi cơ không? Chúng là vòng tròn hoàn hảo”, ông tiết lộ.

chuyen-nhung-phi-cong-tu-sat-cua-nhat-song-sot-trong-the-chien-ii-bb-baaadH3TBG

Yoshiomi Yanai thường xuyên thăm mộ đồng đội đã tử trận.

Yoshiomi Yanai, một phi công Thần phong khác, lại thoát chết vì ông không thể xác định mục tiêu – một lỗi rất hiếm trong những phi vụ tự sát.

“Tôi cảm thấy rất buồn cho những đồng đội đã chết. Họ còn quá trẻ và chưa thực sự trải nghiệm cuộc sống”, ông nói.

Cựu phi công 93 tuổi vẫn giữ kỷ vật mà ông gửi về nhà trước khi thực hiện chuyến bay cuối cùng. Đó là cuốn album mà ông bọc cẩn thận trong vải furoshiki. Yanai ép plastic những ảnh ông cười với đồng nghiệp, những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống.

Fujio Hayashi là người giám sát, đào tạo phi công Thần phong. Hồi ấy ông mới 22 tuổi. Ông tin rằng các chuyến bay tự sát sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu không ai xung phong hoặc Không quân không thực thi chủ trương ép phi công chết vì Nhật hoàng.

“Nhưng tôi là một trong những người đầu tiên xung phong và hàng chục người khác noi gương tôi”, ông kể.

Giờ đây Hayashi luôn tự dằn vặt bản thân vì quyết định ủng hộ việc thành lập lực lượng Thần phong và xung phong vào lực lượng ấy. 

“Với bút chì, tôi viết tên những phi công Thần phong phải chết vào sổ phân công nhiệm vụ mỗi ngày. Tôi đã đẩy vài chục thanh niên trẻ vào cái chết”, ông thừa nhận.

Mặc dù vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, Hayashi tiếp tục phục vụ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ông cố gắng gặp gia đình của từng phi công từng phải lìa đời vì sổ phân công nhiệm vụ của ông.

“Tôi nói với thân nhân của những phi công đã tử trận rằng họ là những người dũng cảm và tử tế. Họ đã cười tới khi bước lên máy bay lần cuối cùng bởi họ không muốn người khác thương hại hay lo lắng cho họ”, ông nói.

chuyen-nhung-phi-cong-tu-sat-cua-nhat-song-sot-trong-the-chien-ii-bb-baaadHe54J

Những máy bay dành cho nhiệm vụ tự sát của phát xít Nhật Bản. Chúng khá nhỏ, nhưng mang theo nhiều bom và tên lửa.

Hàng ngày, mỗi khi nhớ tới những đồng đội đã thiệt mạng, nước mắt lại trào trên khuôn mặt của Hayashi, khiến ông phải chạy vào buồng tắm để khóc.

“Mỗi khi tôi khóc trong buồng tắm, tôi cảm thấy họ vẫn sống trong trái tim tôi”, ông mô tả.

Hayashi hiếm khi nói về những kỷ niệm trong chiến tranh với con. Vì thế, những người con chỉ biết cha của họ là người yêu nhạc cổ điển, thường xuyên dẫn họ tới công viên giải trí và yêu mèo đến nỗi ông thường xuyên đưa mèo lang thang trên phố về nhà để nuôi.

“Ký ức về những người mà tôi giết một cách gián tiếp bằng bút chì luôn hiện về trong tâm trí. Tôi xin lỗi thân nhân của họ vì đã đoạt mạng họ một cách vô ích”,ông tâm sự.

Nguyện vọng của cựu phi công là người thân sẽ rải tro của ông trên vùng biển gần quần đảo Okinawa ở phía nam, nơi nhiều đồng đội của ông tử trận vì lao máy bay vào chiến hạm của đối phương.

“Ngày nào tôi còn sống, ngày ấy cuộc chiến của tôi vẫn chưa chấm dứt”, ông lập luận.

Ngày 4/6, Hayashi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 93 vì ung thư tuyến tụy. Gia đình sẽ rải tro theo đúng di nguyện của ông.

 

Chí Quân

Leave a comment