Tag: internet việt nam

Riêng tư trên Internet tại Việt Nam

LTS: Tiết lộ của một chuyên gia về bảo mật thông tin của anh Dương Ngọc Thái, một kỹ sư Việt Nam đang làm việc cho Google. Từ bài viết này, người ta có thể thấy rõ thông tin bảo vật và quyền riêng tư, sự mất an ninh của con người khi sử dụng internet tại Việt Nam hiện nay như thế nào

413651

Trong một bài viết về Bphone gần đây, tôi có nói đến một ý là chúng ta không nên sử dụng các dịch vụ viễn thông và Internet đến từ các doanh nghiệp Việt Nam, để tạo áp lực buộc các doanh nghiệp này phải lên tiếng phản đối và vận động để thay đổi các bộ luật và nghị định cho phép chính quyền thọc mũi vào đời tư của bất kỳ ai mà họ muốn, mà không chịu bất kỳ sự giám sát nào của bất kỳ tổ chức nào cả.

Ở đây, BKAV và Bphone cũng giống như VNG và Zalo. Trước đây đã có VNG lên tiếng về vấn đề này:

[…]ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNG cũng cho rằng, các dịch vụ trong nước của VNG như Zing Mail, Zing Me… tuân theo rất nhiều chế tài của cơ quan quản lý trong khi các dịch vụ tương tự của nước ngoài như Yahoo Mail, Gmail, Facebook… thì không gặp phải bất cứ chế tài quản lý nào cả. Từ đó dẫn đến việc người dùng sẽ thích và sử dụng các dịch vụ nước ngoài vì không bị quản lý. VNG hi vọng thời gian tới sẽ có quy định để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng “chơi” theo một luật để giúp CNTT Việt Nam phát triển. “Nếu cơ quan quản lý tiếp tục quản lý doanh nghiệp nội và ngoại như trên môi trường web thì VNG lo ngại chúng ta sẽ lại thua tiếp một lần nữa trên thị trường di động (mobile), giống như với thị trường mạng xã hội, máy tìm kiếm, email… dẫn đến thất thu về thuế và không quản lý được về an ninh”, ông Khải nhấn mạnh.

Lý do “không quản lý được về an ninh” không rõ ràng. Có thể hiểu như tôi đã nói ở đây. Sau khi viết về VNG, lâu lâu có chuyện liên quan tôi cũng hay nghĩ lại là không biết mình có quá vội vàng hay không, nhưng chưa có dịp suy nghĩ thêm. Dẫu sao thì những gì tôi viết cũng chỉ là một cách suy diễn lời của ông Khải, quản lý an ninh không phải lúc nào cũng là xâm phạm đời tư cá nhân của người dân vô tội. Chúng ta cũng cần phải chống tội phạm và việc có thông tin liên lạc của chúng sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình điều tra và truy nã. Có thể ý ông Khải là như vậy.

Nhưng nếu đã có trát tòa, cán bộ điều tra có thể yêu cầu các công ty, kể cả nước ngoài, cung cấp thông tin. Google tiết lộ trong nửa cuối năm 2014 họ nhận được hơn 30.000 yêu cầu cung cấp thông tin người dùng từ các chính phủ ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó Việt Nam gửi 1 yêu cầu cung cấp thông tin về 1 người dùng, nhưng yêu cầu bị từ chối. Luật chơi là như thế, nếu anh có trát tòa và có thể chứng minh rằng người anh cần thông tin là tội phạm, các công ty sẵn sàng cung cấp thông tin (vừa đủ) để hỗ trợ quá trình điều tra. Đây là cách làm văn minh, nhưng ở Việt Nam văn minh chỉ là tên một nhân vật trong Số Đỏ.

Có thể ý ông Khải dẫu sao thì toàn bộ thông tin mà chúng ta đưa vào các dịch vụ của người Việt cũng nằm lại Việt Nam, không bị ông Trung Hoa hoặc ông Mỹ dòm ngó, nên có sự an toàn hơn. Ý kiến này đúng, nếu xét ở góc độ an ninh quốc gia hoặc xét ở góc độ thương mại quốc tế. Chẳng hạn như, mọi thứ khác như nhau, tôi sẽ thấy an tâm hơn một chút (chỉ một chút thôi) khi ông thủ tướng sử dụng Zalo hơn là ông ấy sử dụng WhatsApp. Hoặc như bạn là chủ một doanh nghiệp có buôn bán với Trung Quốc, bạn nên sử dụng Zalo hơn là một phần mềm chat nào đó của Trung Quốc.

Nhưng chữ “quản lý” trong “quản lý an ninh” có vẻ như là nhắm vào nhóm dân đen chúng ta, chứ không phải các nhân vật quan trọng. Đó là cách hiểu ban đầu của tôi. Củ cà rốt của VNG là, “chính quyền nên ủng hộ sản phẩm nội địa, đừng làm khó dễ chúng tôi, vì chính quyền có thể dễ dàng truy cập vào thông tin của người dân mà chúng tôi đã thu thập được”. Sự thật là chính quyền Việt Nam dẫu rất muốn, nhưng không thể truy cập được vào dữ liệu của các công ty nước ngoài. Câu chuyện về Blogger là một minh chứng. Nếu Blogger là sản phẩm của công ty Việt Nam, người ta chỉ cần gọi điện một cú là có đủ thông tin ai viết cái gì.

Thoạt nhìn tôi kết luận VNG đã ngã giá với chính quyền, nhưng nghĩ lại tôi thấy VNG không có lựa chọn nào khác cả. Ngã giá hay không thì chính quyền cũng bắt họ làm y như rứa. Sự thành công của Zalo không nhờ vào các chính sách của chính quyền (được vậy cũng mừng!) mà nhờ vào tài năng và sức sáng tạo của họ. Tôi kỳ vọng họ sẽ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người dùng, ví dụ như mã hóa đầu cuối tất cả các tin nhắn. Nhưng ngay cả Google hay Facebook cũng chưa làm được chuyện đó nên việc VNG chưa làm cũng không có gì quá thất vọng.

Liệu có quá không tưởng khi yêu cầu các công ty ngay bây giờ phải đứng lên thách thức những chính sách xâm phạm đời tư, xâm phạm quyền tự do của người dùng? Liệu có quá vội vàng khi kêu gọi người Việt Nam tẩy chay các sản phẩm Internet Việt Nam?

Tôi thừa nhận là có.

Tôi muốn thấy nhiều hơn và luôn ủng hộ những cá nhân những công ty làm giàu bằng công nghệ, bằng chất xám, bằng sự sáng tạo của họ. VNG hay BKAV đáng được ủng hộ hơn là tẩy chay. Những công ty này, khi lớn mạnh rồi, khi Việt Nam không còn đủ chỗ cho cho họ phát triển nữa, họ sẽ muốn vươn ra thế giới văn minh và khi đó, họ sẽ thấy cần thiết phải vận động cho những thay đổi chính sách để họ có thể chiếm được lòng tin của người Mỹ, người Pháp, người Đức, v.v.

Đối với đại đa số người dân, tôi nghĩ riêng tư là thứ cuối cùng mà người ta nghĩ đến khi chọn lựa sử dụng sản phẩm nào. Đây là những vấn đề nóng hổi ở Mỹ, Châu Âu và nhiều nước phát triển khác, nhưng chúng ta đi sau thời đại rất lâu. Những gì tôi nói ở đây có thể 5-10 năm sau người ta sẽ bắt đầu chú ý đến. Chẳng phải tôi là nhà tiên tri, chỉ đơn giản là tôi thấy được thế giới đang làm gì. Có những chuyện rất thời sự ở các nước phát triển đem qua Việt Nam chẳng ai quan tâm, vì người ta chưa nghĩ đến nó. Quyền riêng tư là một ví dụ. Đó cũng là lẽ thường tình và, một phần nào đó, khiến cho Việt Nam thú vị một cách rất riêng.

Dương Ngọc Thái
———————————————-

(Tựa và lời dẫn do Tầng Áp Mái)